Bối cảnh Trần_Tuyên_Đế

Trần Húc sinh năm 530, là thứ tử của Trần Đạo Đàm (陳道譚)- Đông cung trực cáp tướng quân của triều Lương. Trần Đạo Đàm qua đời trong lúc bảo vệ kinh thành Kiến Khang trước phản tướng Hầu Cảnh. Sau khi Đài thành thất thủ vào năm 549, người anh cả của Trần Húc là Trần Thiến và em trai là Trần Xương đã bị Hầu Cảnh bắt giữ, lý do là vì Trần Bá Tiên (phụ thân của Trần Xương) thống lĩnh quân lính chống lại Hầu Cảnh. Năm 551, với sự giúp sức của Trần Bá Tiên, tướng Vương Tăng Biện đã đánh bại Hầu Cảnh và tái chiếm Kiến Khang. Tiêu Dịch xưng đế tại Giang Lăng (江陵, nay thuộc Kinh Châu, Hồ Bắc), tức Lương Nguyên Đế, giao Vương Tăng Biện trấn thủ Kiến Khang, còn Trần Bá Tiên được sắp xếp trấn thủ Kinh Khẩu (京口, nay thuộc Trấn Giang, Giang Tô). Sau đó, Lương Nguyên Đế cho triệu Trần Xương và Trần Húc đến Giang Lăng để phụng sự trong triều (và cũng để làm con tin). Cả hai người đều có các chức vụ bậc trung. Lương Nguyên Đế gả sanh nữ của mình- Liễu Kính Ngôn- cho Trần Húc. Trần Húc trước đó đã có nguyên phối là Tiền thị, kết hôn khi ông đang ở quận Nghĩa Hưng (義興, nay gần tương ứng với Hồ Châu, Chiết Giang) quê nhà, song Tiền thị không theo ông đến Giang Lăng.

Năm 554, kình địch Tây Ngụy công chiếm Giang Lăng, và hành quyết Lương Nguyên Đế vào khoảng tết năm 555. Trần Húc và Trần Xương bị quân Tây Ngụy đưa đến Trường An với thân phận tù nhân, trong khi Liễu Kính Ngôn và nhi tử Trần Thúc Bảo của họ bị bỏ lại ở Nhương Thành (穰城, nay thuộc Nam Dương, Hà Nam). Năm 557, Trần Bá Tiên đã buộc Lương Kính Đế phải thiện nhượng cho mình, trở thành Trần Vũ Đế, khởi đầu triều đại Trần. Anh trai cả của Trần Húc- Trần Thiến- được phong tước Lâm Xuyên vương. Trần Vũ Đế cũng truy tôn đại huynh- Trần Đạo Đàm- là Thủy Hưng Chiêu Liệt vương, cho Trần Thiến kế tập tước Thủy Hưng vương của phụ thân trong khi Trần Húc đang bị Tây Ngụy giam giữ.

Trần Vũ Đế qua đời vào năm 559, do Trần Xương khi đó vẫn bị giam ở Trường An, Trần Thiến đã đăng cơ làm hoàng đế, tức Văn Đế. Do Trần Húc không có mặt để cúng tế phụ thân Trần Đạo Đàm, Văn Đế đã cho nhị tử Trần Bá Mậu của mình kế tập tước Thủy Hưng vương, cải phong tước hiệu của Trần Húc thành An Thành vương. Năm 560, chính quyền kế thừa của Tây Ngụy- Bắc Chu- bắt đầu thương lượng với Trần, đề xuất trao trả Trần Húc. Năm 562, sau khi Trần Văn Đế trao thành Lỗ Sơn (魯山, nay thuộc Vũ Hán, Hồ Bắc) cho Bắc Chu để trao đổi, Trần Húc đã được phép trở về Trần. Ban đầu, Liễu Kính Ngôn và Trần Thúc Bảo chưa được phép trở về, song sau khi có thêm các cuộc thương lượng, họ cũng được trở về Trần. Trần Húc cũng nghênh tiếp nguyên phối Tiền thị đến phủ của mình, song do vương phi Liễu Kính Ngôn có xuất thân danh giá khi là nữ nhi của một công chúa Lương nên vẫn là chính thất.